Trồng Trọt
Quản lý tổng hợp ruồi đục trái

Ruồi đục trái (bà con nông dân thường gọi là Ong chuỗi) thuộc phức hợp Bactrocera, theo Viện Cây ăn quả Miền Nam ruồi có nhiều loài, đối tượng hiện diện và gây hại nhiều nhất ở Việt Nam là loài Bactrocera dorsalis (ruồi phương đông), loài Bactrocera correcta (gây hại các loại rau quả có màu đỏ) và loài Bactrocera cucurbitae (gây hại chủ yếu trên bầu, bí, dưa…).

Ruồi đục trái là đối tượng kiểm dịch thực vật rất gắt gao khi xuất khẩu trái cây, rau màu…sang các nước khác. Hiện Ruồi đục trái đang bộc phát mạnh, gây hại cho rất nhiều loại cây ăn trái và rau màu (nhóm cây ăn trái: Mận, Ổi, Táo, Vú sữa, Xoài, Thanh long, Mít, Măng cụt, Nhãn, Chuối, Đu đủ, Sa bô…  Nhóm rau:  Khổ qua, Dưa, Bầu bí, Cà chua, Ớt…).

Thực tế cho thấy, đại đa số bà con nông dân có quan tâm phòng trừ Ruồi đục trái, nhưng biện pháp duy nhất được áp dụng là Sex pheromones (diệt ruồi đục trái bằng bẫy dẫn dụ sinh dục), như Vizubon D. Ruvacon, Jianet , É tía + thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, sex pheromones chỉ diệt ruồi đực mà không trực tiếp diệt ruồi cái (tác nhân chính đẻ trứng nở thành dòi gây hại rau quả)
 Để diệt ruồi hiệu quả, cần tiến hành các biện pháp phòng trị triệt để, liên tục và đồng bộ,“ xã hội hóa “ việc phòng trị ruồi đục trái thì mới đem lại hiệu quả.
♦ Các biện pháp cần được áp dụng hiện nay:
+ Vệ sinh vườn sau thu hái: không neo trái chín quá lâu trên cây, không thu hái kéo dài, cắt tỉa cành, thu gom trái rụng tiêu hủy. Ngoài ra, nông hộ cần xới xáo lật đất, cho ngập nước mặt liếp 2-3 ngày để diệt nhộng của ruồi trong đất.
+ Bao trái: bằng giấy dầu, giấy keo bâu áo,… sau đậu trái 5-6 tuần (qua giai đoạn rụng sinh lý).
+ Diệt ruồi đực bằng bẫy phê-rô-môn sinh dục (sex pheromones): thường treo lọ, keo, lon… gắn miếng gạc thấm chất dẫn dụ ruồi đực Methyl eugenol để thu hút và tiêu diệt ruồi đực . Các chế phẩm thường dùng như: Vizubon D, Ruvacon, Jianet , Cây É tía (đâm giập trộn Furadan). Đặt 2-3 bẫy / công vườn.
+ Diệt cả ruồi đực lẫn ruồi cái: dùng bả mồi (thức ăn) ưa thích của ruồi đục trái là Protein thủy phân , trộn với thuốc trừ sâu , phun một ít (khoảng 20 cc) lên tán lá / cây lúc sáng sớm để ruồi liếm ăn và chết. Hiện có chế phẩm Protein SOFRI của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam sản xuất, sử dụng ngay bằng cách phun lên tán lá 20 cc lúc sáng sớm (phun mặt dưới lá, tránh ánh nắng làm khô) .
Ngoài ra. Nông hộ có thể tự pha chế Protein thủy phân như sau: Lấy bả hèm rượu, ủ khoảng 2-3 ngày cho lên men chua, vắt lấy nước, pha mỗi lít với 4 cc thuốc Regent hai lúa đỏ (theo khuyến cáo của SOFRI) , đem phun 20 cc lên tán lá của 1 cây lúc sáng sớm. Ngoài ra, để tăng thêm hiệu quả chúng ta có thể thêm nước ép lá É tía (khoảng một nắm lá) vào dung dịch trên để tăng thêm hiệu quả. Cách làm như sau:
Nước bả hèm rượu lên men (1lít) + nước ép của lá É tía (1 nắm) + thuốc Regent 2 lúa đỏ (4 cc). Dung dich này chỉ được dùng trong khoảng 1-2 ngày mà không để sử dụng lâu được, vì hiệu lực dẫn dụ ruồi của dung dịch giảm rất nhanh.
Khi phun dung dịch chỉ cần phun dính lá một ít lúc sáng sớm, chủ yếu ở những cây xung quanh vườn cây. Có thể ướp tẩm Furadan vào Chuối, Khóm chín, treo trên đầu cành cây trong vườn cũng diệt được ruồi đục trái ( bả mồi ) .
Chú ý: Khi áp dụng bẫy Phê rô mon sinh dục, hoặc bả mồi Protein thủy phân, bả mồi trái cây chín,… nông hộ cần phải đặt bẫy liên tục, đồng thời nhiều nhà vườn cùng tiến hành trên diện rộng, áp dụng đại trà “xã hội hóa “, và đặt trước khi cây ra hoa (không phải chờ đến có trái mới đặt), nhằm diệt dần ruồi trước khi cây có trái. Việc bảo vệ mùa màng hiệu quả trước đối tượng ruồi đục trái chỉ khi phong trào diệt ruồi được thực hiện trên rộng và kéo dài liên tục.
(Một số nhà vườn áp dụng biện pháp xua đuổi Ruồi đục trái bằng chế phẩm sinh học  Biogol – xđ của Cty Phát triển kỹ thuật Viltedco vào thời điểm vườn đang mang trái cũng cho kết quả tốt!)

Phạm Công Tâm – KN Bình Thuỷ



CÁC TIN KHÁC: